Thông tin sản phẩm
Thông tin sản phẩm
Thành phần
Mỗi viên nang cứng chứa:
- Cephalexin (dưới dạng Cephalexin monohydrat) 250mg
- Tá dược: Cellulose vi tinh thể, Magnesi stearat
Công dụng (Chỉ định)
Cephalexin được chỉ định trong điều trị các nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm với thuốc gây ra như:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp.
- Viêm tai giữa.
- Nhiễm khuẩn da và mô mềm.
- Nhiễm khuẩn xương khớp.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu-sinh dục, bao gồm viêm tuyến tiền liệt cấp tính.
- Nhiễm khuẩn nha khoa.
Cách dùng - Liều dùng
- Liều lượng:
- Người lớn
+ Liều thường dùng: 1 - 4g/ngày chia thành nhiều liều; hầu hết các loại nhiễm khuẩn áp ứng với liều 500mg mỗi 8 giờ.
Đối với nhiễm khuẩn da và mô mềm; viêm họng do liên cầu khuẩn; nhiễm khuẩn đường tiết niệu nhẹ không biến chứng, liều thường dùng: 250mg mỗi 6 giờ hoặc 500mg mỗi 12 giờ.
+ Liều có thể lên tới 4g/ngày đối với nhiễm khuẩn nặng hoặc do nhiễm vi khuẩn kém nhạy cảm. Nhưng khi cần liều cao hơn 4g/ngày, phải cân nhắc dùng một cephalosporin tiêm.
- Trẻ em từ 5 tuổi trở lên
+ Liều thường dùng: 250mg mỗi 8 giờ.
+ Nhiễm khuẩn nặng, liều có thể tăng lên gấp đôi.
Trong điều trị nhiễm liên cầu khuẩn beta tan máu, thời gian điều trị tối thiểu 10 ngày.
* Lưu ý: dạng bào chế của Opxil 250 là viên nang cứng. Vì vậy, thuốc chỉ thích hợp dùng cho trẻ có khả năng nuốt nguyên viên thuốc.
- Người già và bệnh nhân suy thận: cần phải điều chỉnh liều cephalexin theo độ thanh thải creatinin. Liều tối đa hàng ngày là 500mg trong trường hợp suy thận nặng với độ lọc cầu thận < 10ml/phút.
Cách dùng:
- Dùng đường uống. Nuốt nguyên viên với 1 ít nước.
- Do thức ăn có thể làm giảm tốc độ hấp thu của thuốc vì vậy nên uống lúc đói, tốt nhất khoảng 1 giờ trước khi ăn.
- Trong trường hợp một lần quên dùng thuốc, cần uống một liều ngay khi nhớ ra. Nếu gần thời điểm uống liều tiếp theo, bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp theo đơn thuốc. Không tự ý dùng liều gấp đôi.
Không sử dụng trong trường hợp sau (Chống chỉ định)
- Quá mẫn với cephalexin hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Người bệnh có rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp tính.
- Không dùng cephalexin cho người bệnh có tiền sử dị ứng với kháng sinh nhóm cephalosporin.
- Người bệnh có tiền sử sốc phản vệ do penicilin hoặc phản ứng trầm trọng khác qua trung gian globulin miễn dịch IgE.
Lưu ý khi sử dụng (Cảnh báo và thận trọng)
- Cefalexin thường được dung nạp tốt ngay cả ở người bệnh dị ứng với penicillin, tuy nhiên cũng có một số rất ít bị dị ứng chéo.
- Sử dụng cefalexin dài ngày có thể làm phát triển quá mức các vi khuẩn không nhạy cảm (ví dụ: Candida, Enterococcus, Clostridium difficile), trong trường hợp này nên ngừng thuốc. Đã có thông báo viêm đại tràng giả mạc khi sử dụng các kháng sinh phổ rộng, vì vậy cần phải chú ý tới việc chẩn đoán bệnh này ở người bệnh tiêu chảy nặng trong hoặc sau khi dùng kháng sinh.
- Giống như những kháng sinh được đào thải chủ yếu qua thận, khi suy thận, phải giảm liều cefalexin cho thích hợp.
- Ở người bệnh dùng cefalexin có thể có phản ứng dương tính giả khi xét nghiệm glucose niệu bằng dung dịch "Benedict", dung dịch "Fehling" hay viên "Clinitest", nhưng với các xét nghiệm bằng enzym thì không bị ảnh hưởng.
- Có thông báo cefalexin gây dương tính thử nghiệm Coombs.
Tác dụng không mong muốn (Tác dụng phụ)
Tỉ lệ phản ứng không mong muốn khoảng 3 - 6% trên toàn bộ số người bệnh điều trị
- Thường gặp: tiêu chảy, buồn nôn
- Ít gặp: tăng bạch cầu ưa eosin, nổi ban, mày đay, ngứa, tăng transaminase gan có hồi phục.
- Hiếm gặp: đau đầu, chóng mặt, phản ứng phản vệ, mệt mỏi; giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu; rối loạn tiêu hoá, đau bụng, viêm đại tràng giả mạc; hội chứng Stevens - Johnson, hồng ban đa dạng, họai tử biểu bì nhiễm độc, phù Quincke; viêm gan, vàng da ứ mật; ngứa bộ phận sinh dục, viêm âm đạo, viêm thận kẽ có hồi phục.
Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc
Tương tác với các thuốc khác
- Dùng cephalexin liều cao cùng với các thuốc khác cũng độc với thận như aminoglycosid hay thuốc lợi tiểu mạnh (turosemid, acid ethacrynic, piretanid) có thể gây độc tính thận nhiều hơn.
- Đã có vài thông báo về cephalexin làm giảm tác dụng của estrogen trong thuốc uống tránh thai.
- Cholestyramin gắn với cephalexin ở ruột làm chậm sự hấp thu của chusng.
- Probenecid làm tăng nồng độ trong huyết thanh và tăng thời gian bán thải của cephalexin.
Quá liều
Quá liều: quá liều cấp tính phần lớn chỉ gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy tuy nhiên có thể gây quá mẫn thần kinh cơ và cơn động kinh đặc biệt ở ngươi bệnh bị suy thận.
Xử trí:
+ Cần xem xét đến khả năng quá liều của nhiều lọai thuốc, sự tương tác thuốc và dược động học bất thường của ngưởi bệnh.
+ Không cần rửa dạ dày, trừ khi đã uống cephalexin gấp 5 - 10 lần liều bình thường.
+ Lọc máu có thể giúp đào thải thuốc khỏi máu nhưng thường không cần thiết
+ Bảo vệ đường hô hấp của người bệnh, hỗ trợ thông khí và truyền dịch. Cho uống than hoạt nhiều lần thay thế hoặc thêm vào việc rửa dạ dày. Cần bảo vệ đường hố hấp của người bệnh lúc đang rửa dạ dày hoặc đang dùng than hoạt.
Lái xe và vận hành máy móc
Thuốc không ảnh hưởng khi lái xe và vận hành máy móc
Thai kỳ và cho con bú
- Nghiên cứu thực nghiệm và kinh nghiệm lâm sàng chưa cho thấy có dấu hiệu về độc tính cho thai và gây quái thai. Tuy nhiên chỉ nên dùng cefalexin cho người mang thai khi thật cần.
- Nồng độ cefalexin trong sữa mẹ rất thấp. Nên cân nhắc việc ngừng cho con bú nhất thời trong thời gian mà người mẹ dùng cefalexin.